Mèo là vật nuôi khó tính, có thể thấy rõ ràng qua thói quen đi vệ sinh trong khay cát của chúng. Nếu thấy mèo không sử dụng khay vệ sinh thì nguyên nhân có thể là do khay cát bị bẩn, có mùi hôi khiến mèo khó chịu hoặc cũng có thể là vấn đề về bệnh tật.
Ngoài vấn đề về sức khỏe của mèo nên được kiểm tra và loại trừ, những cách bạn có thể làm để tập cho mèo đi vệ sinh đúng chỗ (khay vệ sinh) có thể dễ dàng thực hiện như sau. Đầu tiên, chúng ta cần hiểu những nguyên nhân khiến mèo đi vệ sinh ngoài khay cát.
Những nguyên nhân phổ biến khiến mèo bỏ thói quen đi vệ sinh trong khay cát:
- Khay cát bẩn, không được sạch sẽ
- Chuẩn bị quá ít khay vệ sinh cho mèo trong nhà
- Khay vệ sinh chật chội, tạo cảm giác không thoải mái cho mèo
- Khay vệ sinh nhỏ có nắp đậy hoặc các cạnh bên mà mèo không thích
- Khay vệ sinh nhỏ có các cạnh quá cao
- Cho quá nhiều cát vệ sinh cho mèo trong hộp
- Vị trí đặt khay vệ sinh không được riêng tư
- Đột ngột thay đổi cát vệ sinh khiến mèo không quen
- Mèo cảm thấy căng thẳng khi chuyển tới nơi ở mới, có thêm động vật hoặc thành viên mới trong nhà
- Xung đột với mèo khác trong nhà
- Khay vệ sinh được lót bởi loại thảm mèo không thích
Những vấn đề về sức khỏe khiến mèo đi vệ sinh ngoài khay cát
Đôi khi bạn cần kiểm tra xem việc thay đổi thói quen đi vệ sinh của mèo có phải là do chúng mắc phải một số bệnh nào đó khiến mèo cảm thấy đau đớn mỗi lần đi vệ sinh hay không. Các bệnh ở mèo khiến chúng không đi vệ sinh trong khay cát bao gồm:
- Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI). Nếu mèo thường xuyên đi vào hộp vệ sinh của chúng nhưng lại tiết ra một lượng nhỏ nước tiểu, chúng có thể bị nhiễm trùng tiểu.
- Viêm bàng quang kẽ mèo. Viêm bàng quang kẽ ở mèo là một bệnh phức tạp gây viêm bàng quang. Nó có thể khiến mèo bỏ ra ngoài khay vệ sinh vì tính tiểu gấp.
- Sỏi hoặc tắc nghẽn bàng quang. Nếu mèo bị sỏi bàng quang hoặc tắc nghẽn, chúng có thể thường xuyên chui vào hộp vệ sinh của mình. Mèo cũng có thể bị đau và kêu meo meo khi đi vệ sinh. Hơn nữa, bụng của mèo có cảm giác mềm khi chạm vào.
Làm gì khi mèo đi vệ sinh ngoài khay cát?
Nếu đã trừ các vấn đề liên quan đến sức khỏe, bạn có thể thực hiện các mẹo sau đây để giúp mèo có lại thói quen đi vệ sinh đúng chỗ:
- Vệ sinh khay và thay cát vệ sinh cho mèo ít nhất một lần mỗi ngày
- Rửa kỹ hộp bằng baking soda hoặc xà phòng không mùi mỗi tuần một lần để khử mùi hôi
- Sử dụng ít cát vệ sinh hơn. Mèo thích một cái luống nông - sâu không quá 5cm
- Sử dụng khay vệ sinh / hộp vệ sinh lớn hơn
- Mua loại cát vệ sinh không mùi với kích thước hạt trung bình đến nhỏ, tương tự với loại mà mèo đã dùng khi chúng còn nhỏ. Hoặc bạn có thể thử đặt các khay vệ sinh cùng với các loại cát vệ sinh khác nhau để xem chúng thích loại nào hơn.
- Không sử dụng khay vệ sinh có các cạnh hoặc nắp đóng
- Hãy thử dùng hộp vệ sinh tự làm sạch, loại này thường sạch hơn so với khay vệ sinh truyền thống
- Di chuyển khay vệ sinh đến vị trí yên tĩnh, ít ánh sáng, nơi mèo có thể nhìn thấy bất kỳ ai đến gần và có thể nhanh chóng chạy thoát. Khay vệ sinh không được để thức ăn và nước uống của chúng gần đó.
- Đặt thêm một vài khay vệ sinh ở các vị trí khác nhau, tất cả đều có nhiều lối thoát hiểm. Đảm bảo rằng trẻ em hoặc các động vật khác không đến gần các khay vệ sinh.
- Nếu mèo già hoặc bị bệnh khớp, hãy sử dụng khay vệ sinh có thành thấp để chúng có thể leo vào dễ dàng.
- Trang bị một hộp vệ sinh cho mỗi chú mèo của bạn, cùng với một hộp phụ. Nếu bạn sống trong ngôi nhà nhiều tầng, hãy đặt một hộp ở mỗi tầng.
Nuôi nhiều mèo và các vấn đề về khay vệ sinh
Nếu bạn nuôi nhiều mèo cùng một lúc và không biết con nào không sử dụng hộp vệ sinh, bạn có thể yêu cầu bác sĩ thú y cung cấp chất huỳnh quang, một loại thuốc nhuộm vô hại giúp nước tiểu phát sáng màu xanh lam dưới ánh sáng cực tím trong 24 giờ. Bạn sẽ cần đèn UV chiếu vào khay vệ sinh để xem con mèo nào đang sử dụng hộp. Thuốc nhuộm phải được trộn (thường là trong thức ăn) cho từng con mèo, từng con một.
Một cách dễ dàng hơn để xác định bé mèo nào không sử dụng khay vệ sinh là tạm thời nhốt từng bé một, với một chiếc khay vệ sinh gần đó. Chỉ làm điều này trong vài ngày và cố gắng sử dụng một căn phòng không có thảm hoặc đống quần áo.
Mèo có thói quen đi vệ sinh ở những nơi yêu thích ngoài khay cát
Nếu mèo của bạn đã hình thành thói quen đi vệ sinh thường xuyên tại một điểm nhất định trong nhà, có thể là do chúng thích không gian của nơi đó và cảm thấy thoải mái để đi vệ sinh. Ở trường hợp này, bạn nên loại bỏ một số vật dụng như đệm, tấm lót và làm cho nơi đó kém hấp dẫn hơn đối với mèo. Bạn có thể thêm đèn sáng hoặc cảm biến chuyển động vào khu vực đó, hoặc đặt giấy bạc, thảm chạy ngược chiều hoặc băng dính hai mặt trên bề mặt ưa thích để xua đuổi mèo.
Những điều không nên làm khi mèo đi vệ sinh ngoài khay cát
Mèo đi vệ sinh ngoài khay cát là vấn đề đôi khi sẽ xảy ra, bạn cần kiên nhẫn chỉnh lại thói quen cho mèo mà không nên la mắng chúng. Dưới đây là một số điều không nên khi huấn luyện mèo của bạn:
- Không dí mũi chúng vào nước tiểu hoặc phân.
- Đừng la mắng mèo và bế hoặc kéo chúng vào khay vệ sinh.
- Không nhốt mèo trong một căn phòng nhỏ với khay vệ sinh trước khi thử các biện pháp khác để giải quyết vấn đề.
- Không đặt khay vệ sinh gần nơi vật nuôi ăn uống.
- Không thưởng cho mèo để lôi kéo chúng sử dụng khay vệ sinh. Mèo không muốn bị quấy rầy khi đi vệ sinh. Tuy nhiên, bạn có thể đặt đồ chơi và đồ ăn vặt gần hộp để giúp chúng vượt qua ác cảm với khay cát.
- Ở những nơi mèo lỡ đi bậy lên, bạn làm sạch bằng chất tẩy rửa có chứa enzym thay vì chất tẩy rửa có gốc amoniac. Sau đó, che khu vực bằng giấy bạc hoặc tấm nhựa và chắn lại trong vài tuần để cho thời gian hoạt động của chất trung hòa.
Nếu mèo vẫn không chịu đi vệ sinh trong khay cát, mặc dù bạn đã cố gắng làm cho nó thân thiện với mèo nhất có thể, bạn có thể liên hệ với nhà hành vi học động vật hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ thú y để giải quyết vấn đề này.
Nguồn: pets.webmd.com
Dịch bởi Trang Pham