Không giống như con người, chó con không mở mắt ngay sau khi sinh và thông thường mất khoảng 10-14 ngày để chúng mở mắt. Hầu hết chó con sẽ mở từng mắt cách nhau một vài ngày nên bạn cần kiên nhẫn chờ đợi, không nên tự ý mở mắt chúng vì điều này có thể làm hỏng thị giác của chó con.
Mắt chó con khi mới mở rất yếu, hơi mờ và không chịu được ánh sáng chói. Vì vậy, trong những ngày chăm sóc đầu đời bạn nên lót ổ ở những nơi thiếu ánh sáng một chút để bảo vệ đôi mắt của chúng.
Khi đôi mắt chó con lần đầu tiên mở ra, chúng có màu trắng đục hoặc xanh xám nhưng sẽ rõ dần theo thời gian cho đến được khoảng 4-5 tuần tuổi thì đôi mắt của chúng mới được hoàn thiện. Trên thực tế, chó con có thể nhìn được trước khi có thể nghe, tai của chó con mở ra khoảng từ 18-20 ngày. Khi đôi mắt bắt đầu hoàn thiện, lớp mô mắt nằm sau võng mạc cũng phát triển để phát triển thị lực vào ban đêm, và đó là lí do tại sao mắt chó có màu sáng xanh kì lạ khi bạn chụp ảnh có đèn flash vào ban đêm.
Chăm sóc chó con mới sinh
Trong ba tuần đầu tiên sau khi sinh, mặc dù được chăm sóc bởi chó mẹ nhưng các bé cún còn non nớt vẫn cần một chút sự quan tâm của chủ. Chó con khi sinh ra với đôi mắt nhắm nhưng chỉ từ một đến hai tuần sau, mắt của chó con sẽ mở. Trong trường hợp sau khoảng thời gian đó mắt chó con vẫn chưa thể mở, nếu có bất kì vết sưng hoặc phồng dưới mí mắt, tiết dịch hoặc mủ hoặc có bất kì bất thường nào khác thì bạn nên giúp thực hiện mở mắt giúp chó con ngay lập tức. Nếu không thể đến bác sĩ thú y, bạn có thể dùng bông gòn thấm nước ấm và xoa nhẹ nhàng vào mắt của chó con để giúp mở mắt.
Chủ nuôi cần phải chú ý nếu trong vòng hai tuần sau sinh sinh mà mắt chó con vẫn chưa mở được. Trong trường hợp mắt chúng bị sưng lên do nhiễm trùng, mủ sẽ tràn ra khi mí mắt được mở và bạn nên đưa chó con đi đến khám thú y ngay để chữa trị.
Trong những tuần tuổi đầu tiên của chó con sau sinh, bạn cũng nên thường xuyên kiểm tra sự phát triển cho chó con thông qua cân nặng. Hầu hết chó con sẽ tăng gấp đôi trọng lượng sơ sinh của chúng trong bảy đến tám ngày đầu tiên. Và cân nặng của chó con phải càng ngày càng tăng, bạn nên ghi lại cân nặng của chúng thường xuyên mỗi khi cân để theo dõi và phát hiện dễ dàng hơn nếu có sự bất thường nào. Trong trường hợp cân nặng của chó con bị chững lại hoặc giảm đi thì đó là báo động nghiêm trọng. Bạn nên đem đi khám thú y để được hướng dẫn bởi chó con bắt đầu giảm cân trong vòng 48 giờ có thể bị chết nếu tình trạng không được hồi phục.
Ngay khi chó con mở mắt, đây là thời điểm chúng bắt đầu trưởng thành về thể chất vô cùng nhanh chóng. Khi được hai tuần tuổi, chó con sẽ nhận thức được và bắt đầu tập đi. Sau ba tuần, chúng cố gắng trèo ra khỏi ổ đẻ. Đến bốn tuần tuổi, chó con đã có thể đi, chạy nhảy và chơi đùa. Một chú chó con không đáp ứng được các mốc phát triển cơ bản này sẽ có nguy cơ tử vong hoặc suy giảm chức năng vĩnh viễn. Lúc này bạn nên liên hệ với bác sĩ thú y nếu quan sát thấy bất kỳ sự phát triển bất thường nào ở các bé cún con nhé!
Chăm sóc chó mẹ mới đẻ
Để chăm sóc chó mẹ trước khi đẻ, bạn nên tăng cường lượng thức ăn trong hai hoặc ba tuần cuối thai kỳ. Sau khi đẻ, tăng lượng thức ăn nhiều hơn nữa bởi chó mẹ cần có sữa để chăm sóc cho các bé chó con đang lớn. Sản lượng sữa tối đa xảy ra trong khoảng ba tuần sau khi đẻ và tại thời điểm này, không có gì lạ nếu chó mẹ ăn gấp ba đến bốn lần chế độ ăn duy trì bình thường tùy thuộc vào kích thước lứa đẻ, giống và tình trạng thể chất của nó.
Để tránh tình trạng bị rối loạn đường ruột, điều quan trọng là bạn không nên thay đổi chế độ ăn của chó mẹ quá đột ngột, đặc biệt là ngay sau khi đẻ con. Việc ăn uống sau khi sinh nếu không cẩn thận có thể dễ gây tiêu chảy nên bạn cần cho chó mẹ ăn chế độ dinh dưỡng cân bằng như thức ăn ướt hay thức ăn khô đều được.
Chế độ ăn uống đối với bất kì bà mẹ nào cũng đều phải chứa hàm lượng tối ưu axit béo omega-3, DHA (axit docosahexaenoic), một chất dinh dưỡng quan trọng đối với sự phát triển não và mắt của chó con. Bạn nên tăng dần lượng thức ăn trong hai hoặc ba tuần cuối của thai kỳ, bằng cách tăng tần suất cho ăn hơn là khối lượng mỗi bữa.
Sau khi đẻ, chó mẹ có thể không muốn ăn nhiều trong 20-48 giờ, sau đó sẽ có lại cảm giác thèm ăn trong vòng hai ngày. Nên cho chó mẹ ăn thường xuyên, tăng dần số lượng mỗi bữa khi sản lượng sữa của chó mẹ tăng lên để đủ sữa nuôi đàn con.
Sản lượng sữa cao nhất sẽ vào khoảng 3-5 tuần sau khi chó con được sinh ra. Tại thời điểm này, tùy thuộc vào giống và kích thước lứa đẻ, chó mẹ có thể ăn gấp bốn lần khẩu phần duy trì bình thường của mình, chia thành bốn bữa một ngày. Bổ sung đủ nước cho chó mẹ cũng rất cần thiết, đặc biệt nếu bạn cho ăn thức ăn khô.
Cai sữa cho chó con như thế nào?
Cai sữa cho chó con là sự chuyển đổi chế độ ăn của chó con từ sữa mẹ sang chế độ ăn uống tăng trưởng vững chắc khi còn nhỏ. Trong môi trường tự nhiên, quá trình cai sữa bắt đầu tự nhiên ngay khi chó con bắt đầu mọc răng, thường khi được ba đến bốn tuần tuổi. Khi đó, việc bú sẽ khiến chó mẹ khó chịu hoặc đau đớn. Cai sữa tự nhiên bao gồm việc chó mẹ nôn trớ thức ăn của mình và chó con tiêu thụ thức ăn đó. Nhiều vật nuôi cũng sẽ làm điều này và gây lo lắng cho chủ sở hữu. Tuy vậy, bạn yên tâm vì đây là một chức năng tự nhiên của người mẹ và không có gì phải lo lắng.
Nên bắt đầu cai sữa khi chó con được khoảng ba đến bốn tuần tuổi. Những con chó con được cai sữa càng sớm thì càng ít gây căng thẳng cho mẹ và chúng sẽ sớm trở lại trạng thái bình thường. Nếu chó con được nuôi bởi chủ vì bất kỳ lý do gì, bạn có thể bắt đầu quá trình cai sữa cho chó con sớm hơn. Nên bắt đầu cho chúng ăn thức ăn mềm ngay khi chúng mở mắt.
Đối với các chủ nuôi chó con, bạn nên dùng loại sữa công thức dành cho chó con để thay thế sữa mẹ, chẳng hạn như Sữa bột cho chó mèo Bio Milk. Không sử dụng sữa dê hoặc sữa bò. Bạn nhúng ngón tay vào sữa công thức và làm ướt mũi và miệng chó con. Lặp lại quá trình này hai hoặc ba lần một ngày cho đến khi chúng bắt đầu tự uống sữa công thức. Quá trình này thường mất từ một đến bốn ngày.
Tiếp theo, hãy thử cho chó con ăn thức ăn đóng hộp (thức ăn ướt) đã được nghiền nhỏ và trộn với sữa công thức. Khi chó con quen uống sữa, chúng cũng sẽ ăn thức ăn. Giảm lượng sữa thay thế hàng ngày cho đến khi chúng ăn được thức ăn đóng hộp. Việc cai sữa này nên được hoàn thành khi chó con được bốn đến sáu tuần tuổi.
Bạn có thể cho chúng ăn dặm bằng một trong những loại thức ăn hoàn chỉnh cho chó con (có sẵn ở dạng khô hoặc đóng hộp) đảm bảo dinh dưỡng cân bằng. Tham khảo thêm ý kiến bác sĩ thú y về các loại vitamin hoặc chất bổ sung dinh dưỡng cho chó con. Nếu chó con đang nhận được một chế độ ăn uống cân bằng, chất lượng tốt, thì chúng không cần phải bổ sung thêm các loại vitamin hoặc chất bổ sung dinh dưỡng nào khác.
Một chế độ ăn uống chất lượng tốt là điều cần thiết cho sự phát triển thích hợp của chó con. Vào thời điểm cai sữa, chó con nên được cho ăn một lượng nhỏ thường xuyên, khoảng bốn đến sáu lần một ngày. Vào thời điểm chúng cai sữa hoàn toàn từ mẹ, thông thường vào khoảng 8 đến 10 tuần tuổi, chúng nên được ăn khoảng 4 bữa một ngày. Đến ba tháng tuổi, bạn có thể tăng số lượng thức ăn mỗi bữa và giảm tần suất xuống ba bữa một ngày. Hầu hết các giống chó sau đó sẽ ăn hai bữa một ngày khi được sáu đến chín tháng tuổi. Một số giống chó trưởng thành chậm, đặc biệt là giống khổng lồ, có thể cần cho ăn thường xuyên hơn cho đến khi gần hai tuổi. Các giống chó khác nhau phát triển với tốc độ khác nhau, với các giống nhỏ, như Chihuahua, trưởng thành nhanh hơn nhiều so với các giống lớn, như Great Danes. Bác sĩ thú y sẽ khuyến nghị khi nào quá trình chuyển đổi này diễn ra dựa trên giống chó con và nhu cầu cụ thể về giống chó của bạn.
Sau khi chó con ăn thức ăn rắn (thường khoảng sáu tuần tuổi), bạn có thể thay đổi chỗ ở cho chó con ra khỏi ổ đẻ. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nhiều nếu để chó con ở lại với mẹ và các con cùng lứa trong 8 đến 10 tuần đầu tiên, trong đó 10 tuần được coi là lý tưởng cho sự phát triển của chó con.
Các ký sinh trùng đường ruột thông thường được truyền sang chó con qua tử cung trước khi chúng được sinh ra hoặc qua sữa mẹ sau khi sinh. Chó con nên được điều trị giun sớm khi được hai tuần tuổi, nhưng điều trị phổ biến hơn khi chúng được ba và sáu tuần tuổi. Điều quan trọng là phải nắm được cân nặng chính xác của chó con để có thể sử dụng liều lượng thuốc thích hợp.
Trang Pham