Bệnh béo phì ở mèo nguy hiểm như thế nào?

Posted by Xuan An on

Những chú mèo với thân hình tròn trịa, mũm mĩm với hai chiếc má bánh bao luôn là những hình ảnh đáng yêu nhất mà bạn có thể dễ dàng bắt gặp khắp các mạng xã hội. Mặc dù trông có vẻ dễ thương khiến các sen muốn cưng nựng nhưng thực chất chúng được xem là những con mèo bị thừa cân, béo phì. Bệnh béo phì ở mèo rất phổ biến, đặc biệt là ở những con mèo trưởng thành, nó gây nên rắc rối liên quan đến sức khỏe và tuổi thọ ở mèo mà bạn nên tránh.

Tìm hiểu bệnh béo phì ở mèo

Béo phì là căn bệnh phổ biến nhất có thể phòng ngừa được ở mèo. Khoảng 30-35% số mèo bị béo phì, với 50% mèo từ 5-11 tuổi có trọng lượng cao hơn trọng lượng lý tưởng của chúng. Béo phì là tình trạng tích tụ mỡ thừa trong cơ thể. Trọng lượng cơ thể tăng thêm và lượng mỡ thừa có xu hướng đi đôi với nhau, vì vậy hầu hết những chú mèo thừa cân sẽ có lượng mỡ cơ thể dư thừa.

Trọng lượng cơ thể rất dễ đo để đánh giá xem mèo có thừa cân hay béo phì hay không - dễ dàng hơn so với việc cố gắng đo lượng mỡ trong cơ thể. Mèo được coi là thừa cân khi chúng có trọng lượng cao hơn 10 - 20% trọng lượng cơ thể lý tưởng của chúng.

Bệnh béo phì ở mèo có nguy hiểm như thế nào?

Béo phì rút ngắn tuổi thọ của mèo và khiến chúng dễ mắc bệnh hơn. Ngay cả khi thừa cân vừa phải cũng làm giảm tuổi thọ của mèo. Ở mèo, tỷ lệ tử vong tăng gấp 2,8 lần ở mèo béo phì (8-12 tuổi) so với mèo gầy.

Một nghiên cứu ở giống chó Labrador Retriever cho thấy rằng một nhóm chó thừa cân có tuổi thọ ít hơn gần hai năm so với những chú chó Labrador gầy hơn. Đây là một thống kê nghiêm túc vì người ta luôn chấp nhận rằng những chú chó to lớn hơn sẽ có tuổi thọ thấp hơn những chú chó gầy, nhưng chỉ khoảng 6-12 tháng. Và kết quả tương tự trong một nghiên cứu được thực hiện trên những con mèo thừa cân.

Trước đây, chất béo được coi là những tế bào cơ thể hầu như không hoạt động, chỉ đơn giản là lưu trữ calo năng lượng dư thừa và thêm vào khối lượng cơ thể. Các bằng chứng khoa học hiện nay cho thấy mô mỡ có hoạt tính sinh học. Nó tiết ra các hormone gây viêm và tạo ra căng thẳng oxy hóa trên mô của cơ thể, cả hai đều góp phần gây ra nhiều bệnh. Vậy nên cách tiếp cận mới là coi béo phì là một bệnh mãn tính, viêm mức độ thấp.

Bệnh béo phì ở mèo có nguy cơ gia tăng:

  • Nhiều loại ung thư, đái tháo đường, bệnh tim và tăng huyết áp
  • Viêm xương khớp và thoái hóa nhanh hơn các khớp bị ảnh hưởng
  • Sỏi bàng quang tiết niệu
  • Biến chứng gây mê vì chịu nhiệt kém

Những chú mèo béo phì bỏ ăn có nguy cơ rất cao phát triển một tình trạng có thể đe dọa tính mạng được gọi là gan nhiễm mỡ - một căn bệnh nguy hiểm về gan. Các biến chứng tiềm ẩn khác của bệnh béo phì ở mèo bao gồm các vấn đề về da và khó chống lại bệnh truyền nhiễm.

Làm sao biết mèo bị béo phì?

Bước đầu tiên để nhận biết một chú mèo có bị thừa cân hoặc béo phì hay không là dựa vào cân nặng và ngoại hình của chúng. Thật không may, hiện nay trên mạng đầy rẫy những hình ảnh của các bé mèo thừa cân nhưng được xem đó là sự dễ thương, múp míp đáng yêu và việc này làm cho việc phân biệt mèo thừa cân hay không thừa cân càng khó khăn hơn.

Kiểm tra ở phần xương sườn không chỉ là một phép đo quan trọng để giúp bạn xác định xem mèo có thừa cân hay không mà còn dễ dàng tự làm tại nhà. Nếu nắm lòng bàn tay và có thể cảm thấy khớp ngón tay của mình thì đây là cách xương sườn của chú mèo bình thường có thể cảm thấy ngay sau bả vai.

Các trung tâm chăm sóc sức khỏe thú y có thể sẽ cung cấp một trọng lượng cơ thể lý tưởng ước tính để sử dụng làm mục tiêu, nhưng điều quan trọng là họ cũng phải thực hiện đánh giá tình trạng cơ thể thường xuyên để đảm bảo tiến bộ về trọng lượng cơ thể và tình trạng cơ thể bình thường. Hầu hết các trung tâm chăm sóc thú y sử dụng hệ thống tính điểm tình trạng cơ thể theo thang điểm 1-5 (3 là bình thường) hoặc 1-9 (5 là bình thường).

Dinh dưỡng cho mèo béo phì

Khi đã xác định được rằng mèo của mình bị thừa cân hoặc béo phì, điều quan trọng là phải điều chỉnh lượng thức ăn dành riêng cho việc giảm cân - bằng cách sử dụng một sản phẩm dinh dưỡng, khẩu phần và tần suất bữa ăn cụ thể. Có các sản phẩm dinh dưỡng với công thức khoa học để giúp giảm cân lành mạnh và an toàn cho mèo như chế độ ăn kiêng Hills® Prescription cho quá trình chuyển hóa, Royal Canin® Satiety Support Management và Purina Overweight Management®. Sẽ không thích hợp nếu bạn chỉ giảm khối lượng thức ăn hiện tại của chúng xuống. Điều này sẽ dễ gây ra tình trạng suy dinh dưỡng theo thời gian.

Điều quan trọng là nên cho mèo ăn một sản phẩm dinh dưỡng có lượng calo tổng thể thấp hơn, nhưng vẫn duy trì sự cân bằng chất dinh dưỡng thích hợp. Bác sĩ thú y có thể giúp xác định sản phẩm dinh dưỡng nào tốt nhất cho tình trạng mèo của bạn. Khi thức ăn mới đã được chọn và xác định được khẩu phần ăn mới, bạn phải nhất quán với việc cho ăn - khẩu phần và tần suất bữa ăn - và tránh cho ăn thêm những loại thức ăn vặt hay bánh thưởng cho mèo.

Cân trọng lượng của mèo thường xuyên, 2-3 tuần một lần (hoặc ít nhất một lần mỗi tháng), là một yếu tố quan trọng để giảm cân thành công cho mèo. Điều quan trọng là phải đảm bảo rằng việc giảm cân diễn ra không quá nhanh cũng không quá nhiều và xác định thời điểm đã giảm đủ cân và duy trì cân nặng.

Khi đã đạt được thể trạng và trọng lượng cơ thể lý tưởng, điều quan trọng là phải duy trì cân nặng cho mèo. Bác sĩ thú y có thể giúp bạn tìm thức ăn và khẩu phần thích hợp để duy trì cân nặng. Kiểm soát khẩu phần ăn là rất quan trọng trong giai đoạn này để ngăn ngừa việc tăng cân trở lại.

Trang Pham