Hiểu rõ bảng thành phần dinh dưỡng thức ăn cho chó (Dog Food Labels)

Posted by Xuan An on

Trên các sản phẩm thức ăn cho chó được bán trên thị trường thường có các bảng thành phần dinh dưỡng (nutrition label) cũng tương tự như thức ăn cho người, được thiết kế để giúp bạn so sánh các sản phẩm và tìm hiểu thêm về thực phẩm. Nhưng đa số chúng ta sẽ không để ý hoặc bỏ qua các nhãn dinh dưỡng này bởi chúng thường khó hiểu. Ở bài viết này, Tony Tèo sẽ phân tích bảng thành phần dinh dưỡng và cung cấp thêm thông tin về chúng để các bậc phụ huynh khi mua thức ăn cho chó mèo cưng sẽ hiểu về sản phẩm tốt hơn nhé!

Bảng thành phần dinh dưỡng thức ăn cho chó

Giống như thức ăn đóng gói cho người, thức ăn cho thú cưng phải liệt kê các thành phần theo trọng lượng, bắt đầu từ khối lượng nặng nhất. Nhưng nếu thành phần đầu tiên là một loại thịt, hãy nhớ rằng thịt có khoảng 75% là nước, theo FDA. Nếu không có trọng lượng nước đó, thịt có thể sẽ giảm trong danh sách thành phần.

Các sản phẩm có thành phần ghi chứa thịt, chẳng hạn như ‘thịt gà’ hay ‘thịt và xương’ là khác nhau và hầu hết nước và chất béo đã được loại bỏ ra khỏi sản phẩm, làm hao đi một lượng lớn protein động vật.

Các sản phẩm phụ trong thành phần

Nhiều người phân vân khi đọc thấy các sản phẩm phụ trong thành phần sản phẩm bởi họ cho rằng chúng rẻ tiền và không an toàn. Tuy nhiên, đây là vấn đề thuộc về lựa chọn các nhân mặc dù sản phẩm được dán nhãn là "đầy đủ và cân bằng" và đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của chó.

Chẳng hạn, gan động vật là một sản phẩm phụ rất giàu chất dinh dưỡng như vitamin A. Bạn có thể yên tâm bởi vì các sản phẩm phụ sẽ không bao gồm tóc, sừng, răng và móng guốc, mặc dù được phép có một ngoại lệ đối với số lượng không thể tránh khỏi trong quá trình chế biến.

‘Bột thịt’ (meat meal) cũng có thể chứa các bộ phận động vật mà nhiều người coi là phụ phẩm. Một thành phần của sản phẩm được liệt kê là “thịt gà” hoặc “thịt bò” có thể bao gồm tim, thực quản, lưỡi và cơ hoành. Mặc dù tất cả những thành phần này nghe có vẻ không ngon đối với bạn, nhưng bé cún của bạn có thể sẽ thấy vô cùng ngon miệng. Vì vậy, không nhất thiết phải chùn bước nếu bạn thấy các sản phẩm phụ này trong danh sách thành phần.

Hơn nữa, các sản phẩm thức ăn cho chó nhập khẩu từ châu Âu cũng có các quy định của liên bang để cấm sử dụng nguyên liệu từ động vật bị mắc bệnh trong thức ăn chăn nuôi, bao gồm cả thức ăn cho vật nuôi. Trong đó, quy tắc của FDA cấm đưa vào các bộ phận cơ thể của bất kỳ động vật nào đã có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh bò điên, cũng như não và tủy sống của động vật già yếu, vì chúng được coi là có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Phụ phẩm có tên hóa học ở phía cuối bảng thành phần là gì?

Chất bảo quản, màu nhân tạo và chất ổn định trong thức ăn vật nuôi phải được FDA chấp thuận hoặc thường được công nhận là an toàn, một danh mục bao gồm mọi thứ từ xi-rô bắp có hàm lượng fructose cao đến benzoyl peroxide, được sử dụng để tẩy trắng bột và pho mát. Các nhà sản xuất phải liệt kê các chất bảo quản mà họ thêm vào, nhưng không phải lúc nào họ cũng liệt kê các chất bảo quản trong các thành phần như bột cá hoặc thịt gà được chế biến ở nơi khác.

Một số chủ vật nuôi không muốn mua thức ăn có chứa chất bảo quản tổng hợp BHA (butylated hydroxyanisole), BHT (butylated hydroxytoluene) hoặc ethoxyquin. Những chất bảo quản này ngăn chất béo bị ôi thiu và có thể giữ thức ăn khô cho chó trong khoảng một năm, nhưng sự an toàn của chúng đã bị một số người tiêu dùng và các nhà khoa học nghi ngờ. Nhưng FDA cho biết chúng an toàn ở mức độ được sử dụng trong thức ăn cho chó.

Có một cuộc tranh luận về việc liệu có cần phải tránh các thành phần nhân tạo như thế này hay không, vì thử nghiệm an toàn thông thường cho thấy chó vẫn ổn khi sử dụng chúng. Mặc dù vậy, một số người cho biết sẽ không muốn các chất này có trong chế độ ăn uống hàng ngày cho chó của họ.

Ethoxyquin được giám sát kỹ lưỡng vào những năm 1990 sau khi có những phàn nàn về dị ứng da, các vấn đề về sinh sản, ung thư và suy nội tạng ở một số con chó được cho ăn thức ăn có chất bảo quản này. Năm 1997, FDA đã yêu cầu các nhà sản xuất thức ăn cho chó giảm một nửa lượng ethoxyquin tối đa cho phép sau khi các thử nghiệm do nhà sản xuất Công ty Monsanto thực hiện cho thấy có thể gây tổn thương gan ở những con chó được cho ăn nhiều chất bảo quản.

Một số nhà sản xuất không còn sử dụng ethoxyquin, BHA hoặc BHT, thay vào đó sử dụng các chất bảo quản tự nhiên như vitamin E (hỗn hợp tocopherols), vitamin C (axit ascorbic) và chiết xuất từ các loại thực vật khác nhau, chẳng hạn như hương thảo. Những thứ đó cũng giữ cho thực phẩm luôn tươi ngon nhưng trong thời gian ngắn hơn. Vì vậy, bạn hãy nhớ kiểm tra hạn sử dụng của thực phẩm trên nhãn trước khi mua hoặc cho các 'boss' ăn.

Joseph Wakshlag, DVM, Tiến sĩ, phó giáo sư về dinh dưỡng lâm sàng tại Đại học Thú y Đại học Cornell cho biết: “Nếu bạn muốn dùng sản phẩm có hạn sử dụng dài, bắt buộc sản phẩm phải có chất bảo quản hóa học. Chúng được thêm vào với lượng không gây hại cho chó và nó tạo ra chất béo ổn định hơn. Chất béo ôi thiu có thể khiến men gan tăng cao và tiêu chảy cho chó”.

Làm cách nào để đảm bảo thức ăn đáp ứng được nhu cầu của chó?

Để chọn sản phẩm đảm bảo đáp ứng được nhu cầu cho chó, bạn xem các chứng nhận về mức độ dinh dưỡng đầy đủ trên bao bì.

Nhiều nhà sản xuất thức ăn cho vật nuôi thường tuân theo các quy định mẫu do Hiệp hội các quan chức kiểm soát thức ăn chăn nuôi Hoa Kỳ (AAFCO) đặt ra nhằm thiết lập lượng chất dinh dưỡng tối thiểu cần thiết để cung cấp một chế độ ăn uống cân bằng và đầy đủ. Đối với các sản phẩm này sẽ có các chứng nhận ghi là ‘thức ăn được pha chế để đáp ứng các tiêu chuẩn AAFCO’ (the food is formulated to meet AAFCO standards) hoặc ‘sản phẩm đã được thử nghiệm trong các thử nghiệm cho ăn và được phát hiện là cung cấp dinh dưỡng hoàn chỉnh’ (it has been tested in feeding trials and found to provide complete nutrition).

Chứng nhận AAFCO cũng cho biết thực phẩm phù hợp với giai đoạn sống nào của chó. Đối với chó con, hãy tìm loại sản phẩm hỗ trợ sự phát triển hoặc phù hợp tất cả các giai đoạn của chó. Đối với chó trưởng thành, hãy tìm sản phẩm duy trì thể trạng hoặc phù hợp tất cả các giai đoạn. Nhu cầu dinh dưỡng cho chó trưởng thành có thể khác nhau tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và không có tiêu chuẩn AAFCO cho thức ăn cao cấp.

Sản phẩm ghi “Guaranteed Analysis” là gì?

Tất cả các nhãn thức ăn cho chó phải liệt kê lượng protein và chất béo tối thiểu trong thức ăn và tỷ lệ chất xơ và độ ẩm tối đa.

Một số nhãn thức ăn cho chó cũng liệt kê tỷ lệ phần trăm các thành phần khác, chẳng hạn như canxi và phốt pho.

Thức ăn cho chó ít chất béo thường chứa ít chất béo và nhiều chất xơ hơn, giúp chó no mà không cần thêm calo.

Theo National Research Council, một đơn vị nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm Quốc gia phi lợi nhuận, ít nhất 10% khẩu phần ăn hàng ngày phải là protein, và 5,5% là chất béo. Các sản phẩm thức ăn dành cho chó thường chứa một lượng cao hơn thế vì chó có thể không tiêu hóa được tất cả các chất dinh dưỡng trong thức ăn.

Sản phẩm ghi “natural” and “holistic” (‘tự nhiên’ và ‘toàn diện’) nghĩa là gì?

Về mặt pháp lý, sản phẩm được dán nhãn là ‘tự nhiên” nên chứa rất ít thành phần tổng hợp. Còn sản phẩm ghi ‘Toàn diện’, cùng với ‘cao cấp’ và ‘siêu cao cấp’, là các thuật ngữ tiếp thị và không có quy định về cách sử dụng hay số lượng được sử dụng. Các thuật ngữ tiếp thị như “human-grade ingredients” hoặc “made in a USDA-inspected facility” cũng tương tự như vậy.

Thức ăn vật nuôi hữu cơ (organic petfood) là gì?

Không có định nghĩa chính thức cho thuật ngữ này. Nhưng Chương trình hữu cơ quốc gia của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, cơ quan đặt ra các quy tắc sử dụng nhãn "hữu cơ", đang xem xét vấn đề này.

Nguồn: pets.webmd.com

Dịch bởi Trang Pham