Tình trạng chó sủa nhiều vào ban đêm, hoặc chó sủa dai dẳng, sủa quá mức không chỉ phản ánh hành vi, tình trạng tâm lí, sức khỏe của bé mà điều này còn làm ảnh hưởng tới cuộc sống của bạn và những người xung quanh. Hãy tìm hiểu nguyên nhân của việc chó sủa dai dẳng và cách điều trị nhé!
Nguyên nhân khiến chó sủa
Sủa là một kiểu giao tiếp bằng giọng nói mà loài chó sử dụng, và nó có thể mang những ý nghĩa khác nhau tùy thuộc vào tình huống. Dưới đây là một số lý do khiến chó sủa:
Lãnh thổ / Bảo vệ: Khi một người hoặc một con vật đi vào khu vực mà chó coi là lãnh thổ của chúng, chúng thường sủa quá mức. Khi mối đe dọa đến gần, tiếng sủa thường lớn hơn. Chó trông sẽ cảnh giác và thậm chí hung dữ trong kiểu sủa này.
Báo động / Sợ hãi: Một số chú chó sủa khi bất kỳ tiếng động hoặc vật thể nào khiến chúng chú ý hoặc làm chúng giật mình. Điều này có thể xảy ra ở bất cứ đâu, không chỉ trong lãnh thổ của chúng. Tai của chúng sẽ cụp lại và cụp đuôi khi chúng ở trong trạng thái sợ hãi.
Chán / Cô đơn: Chó là loài vật sống theo bầy đàn. Những chú chó bị bỏ mặc trong thời gian dài, dù ở trong nhà hay ngoài sân, chúng có thể trở nên buồn chán hoặc buồn bã và thường sủa vì chúng không vui.
Chào hỏi / Vui chơi: Chó thường sủa khi chào hỏi người hoặc động vật khác. Trường hợp này, thường là một tiếng sủa vui vẻ, kèm theo những cái vẫy đuôi và đôi khi còn nhảy lên nữa.
Tìm kiếm sự chú ý: Chó thường sủa khi chúng muốn một thứ gì đó, chẳng hạn như đi ra ngoài, chơi đùa hoặc muốn được thưởng thức ăn.
Lo lắng tách biệt / Sủa bắt buộc: Những chú chó mắc chứng lo lắng bị chia cắt thường sủa quá mức khi bị bỏ lại một mình. Chúng cũng thường biểu hiện các triệu chứng khác, chẳng hạn như đi tới đi lui, phá phách, trầm cảm. Những chú chó sủa bắt buộc dường như sủa chỉ để tự nghe âm thanh của chính bản thân chúng. Chúng cũng thường thực hiện các chuyển động lặp đi lặp lại, chẳng hạn như chạy theo vòng tròn hoặc dọc theo hàng rào.
Làm thế nào để điều trị chứng sủa quá mức ở chó?
Để chó sủa ít hơn sẽ cần nhiều thời gian, công sức, sự luyện tập và sự kiên định. Điều đó sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều, nhưng với kỹ thuật và thời gian thích hợp, bạn có thể thấy được sự tiến bộ.
Dưới đây là một số mẹo cần nhớ khi bạn bắt đầu nỗ lực kiểm soát tiếng sủa của chó.
- La mắng chỉ kích thích chó sủa nhiều hơn vì chúng nghĩ rằng bạn đang tham gia. Vì vậy, quy tắc đầu tiên là nói một cách bình tĩnh và chắc chắn, không la hét lại chúng.
- Hầu hết các chú chó không biết bạn muốn gì khi bạn mắng chúng “câm mồm”. Vì vậy, hãy huấn luyện chú chó của bạn hiểu từ “Im lặng!”
Đây là hai phương pháp:
Khi chó sủa, hãy nói “Im lặng” bằng giọng điềm tĩnh và chắc chắn. Chờ cho đến khi chúng ngừng sủa, hoặc ngay cả khi chúng nghỉ lấy hơi, bạn hãy khen ngợi và thưởng cho chúng. Bạn chỉ cần lưu ý không bao giờ thưởng khi chúng đang sủa. Cuối cùng, chúng sẽ nhận ra rằng nếu ngừng sủa khi nghe từ “yên lặng” thì sẽ nhận được một món ăn ngon.
Ngoài ra, bạn có thể dạy bé chó của mình bằng cách ra hiệu lệnh. Khi chúng đang sủa, hãy ra hiệu cho chúng ngừng sủa bằng một lệnh khác, chẳng hạn như “im lặng”, đồng thời giữ ngón tay của bạn lên môi (chó thường nhận tín hiệu cơ thể nhanh hơn lệnh bằng giọng nói.) Thực hành các lệnh này khi chúng bình tĩnh và đúng lúc để học cách ngừng sủa theo hiệu lệnh, ngay cả khi chúng muốn sủa điều gì đó.
- Một chú chó mệt mỏi sẽ trở nên yên tĩnh. Nếu chó của bạn sủa khi ở một mình, mẹo là hãy làm chúng mệt mỏi trước khi bạn rời đi. Bạn có thể dắt chúng đi bộ một quãng dài hoặc chạy, chơi bóng hoặc đến công viên dành cho chó trước khi rời đi.
- Đừng để sự cố cứ tiếp diễn. Một chú chó làm điều gì đó càng lâu, thì điều đó sẽ càng ăn sâu vào tiềm thức của nó. Việc sủa có thể khiến chó tăng tiết adrenaline, giúp chúng dễ chịu hơn. Nếu bạn cho phép chú chó của mình sủa trong một số tình huống nhất định, chẳng hạn như khi người đưa thư đến, cuối cùng có thể khiến chú chó trở nên hung dữ trong những tình huống đó. Điều gì sẽ xảy ra nếu một ngày chó của bạn được thả ra ngoài khi người đưa thư đến? Vì vậy xử lý các vấn đề về tiếng sủa càng nhanh càng tốt.
- Một số vấn đề y tế có thể gây ra tiếng sủa quá mức, từ ong đốt đến bệnh não cho đến cơn đau liên tục. Các chú chó lớn tuổi có thể phát triển một dạng lão suy ở chó gây ra bệnh sủa quá mức. Vì vậy nên thường xuyên đến để bác sĩ thú y kiểm tra thú cưng của bạn và đảm bảo rằng bé chó không mắc phải các bệnh đó.
Sau khi biết lý do tại sao chó sủa, bạn có thể bắt đầu tìm cách để giảm thói quen khó chịu của chúng:
Lãnh thổ / Bảo vệ / Báo động / Sợ hãi: Bởi vì kiểu sủa này thường bị thúc đẩy bởi sự sợ hãi hoặc mối đe dọa nhận thức được đối với lãnh thổ hoặc chủ của chúng, nó có thể được giảm bớt bằng cách hạn chế tầm nhìn của chú chó. Nếu chúng ở trong sân có hàng rào, hãy sử dụng gỗ đặc thay vì hàng rào kẽm. Trong nhà, hạn chế tầm nhìn cửa sổ và cửa ra vào hoặc che chúng bằng màng mờ.
Chán nản / Cô đơn: Nếu chó sủa quá nhiều khi bạn đi vắng, bạn cần tạo thêm các hoạt động hoặc bạn đồng hành để chúng không bị cô đơn hoặc buồn chán.
Thay vì giữ chó ngoài trời, giữ trong nhà sẽ làm giảm tác động của tiếng ồn đối với hàng xóm và tăng cường an ninh cho ngôi nhà của bạn. Điều này cũng an toàn hơn vì những chú chó bị bỏ lại một mình bên ngoài có thể đối mặt với trộm cắp, đầu độc, quấy rối và các mối nguy hiểm khác.
Nhưng chó vẫn có thể sủa bên trong nếu buồn chán. Vì vậy, nếu chó sủa khi bạn đi làm cả ngày, hãy nhờ ai đó dắt chó đi dạo hoặc chơi với chúng ít nhất một giờ mỗi ngày.
Đưa một cái gì đó cho chú chó của bạn đùa nghịch trong ngày cũng có thể hữu ích. Hãy thử đưa một vài món đồ chơi phân phát thức ăn, có nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau. Những thứ này có thể khiến chó bận rộn trong vài giờ, sau đó chúng sẽ chợp mắt.
Chào đón / Chơi: Để ngăn chó sủa điên cuồng mỗi khi bạn về nhà hoặc chuông cửa đổ chuông, bạn cần dạy chúng các hành vi khác. Một cách là huấn luyện chúng đi đến một vị trí và ở lại đó khi cửa mở. Tốt nhất là ở nơi chúng có thể nhìn thấy cánh cửa, nhưng đừng ở quá gần. Chọn một vị trí và tập cho chú chó của bạn đến đó và ở yên, nhưng chưa chạm vào cửa. Sử dụng nhiều trò chơi và khen thưởng sẽ hiệu quả hơn. Khi bé chó có thể thực hiện được, hãy bắt đầu mở cửa khi chúng đang ở yên tại chỗ.
Khi bạn có thể mở cửa và chó vẫn ở yên vị trí của chúng, hãy nhờ người khác mở cửa. Tất nhiên lúc đầu chú chó có thể sẽ lao ra khỏi chỗ, nhưng với thời gian và sự luyện tập, chúng sẽ học cách giữ nguyên vị trí khi cửa mở khi khách bước vào.
Đừng bao giờ thưởng cho chó khi chúng sủa mỗi khi bạn về nhà. Không vuốt ve hoặc thậm chí giao tiếp bằng mắt cho đến khi bé chó ngừng sủa và ngồi yên lặng. Sau đó mới nhìn chúng và khen ngợi.
Tìm kiếm sự chú ý: Không bao giờ thưởng khi chó sủa. Nếu chó của bạn sủa khi chúng muốn có nước và bạn đổ đầy đĩa, bạn đã dạy chúng sủa để có được thứ chúng muốn. Nếu chúng sủa để muốn ra ngoài, điều đó cũng giống như vậy. Vì vậy, hãy dạy chúng rung một chiếc chuông mà bạn buộc vào tay nắm cửa để đi ra ngoài. Bạn đập vào đĩa đựng nước trước khi đổ đầy và có thể chúng sẽ bắt chước dùng mũi ấn vào đĩa nước để tạo ra tiếng ồn tương tự. Hãy tìm cách để chó giao tiếp mà không sủa.
Nếu chó của bạn sủa và bạn thấy đĩa của chúng hết thức ăn, hãy đợi vài phút, làm việc khác, sau đó đổ đầy thức ăn, vì vậy chúng sẽ nhận ra rằng tiếng sủa của chúng không có hiệu quả.
Nhớ đừng la mắng thú cưng của bạn. Đối với một chú chó, đó vẫn được coi là sự chú ý. Điều quan trọng là hãy phớt lờ bé chó của bạn và những gì chúng muốn, cho đến khi chúng ngừng sủa.
Lo lắng tách biệt / sủa bắt buộc: Lo lắng tách biệt và sủa bắt buộc đều khó điều trị và cần được xử lý với sự trợ giúp của một bac sĩ thú y hoặc một nhà hành nghiên cứu động vật đã được chứng nhận. Những chú chó mắc các vấn đề này thường cần điều trị bằng thuốc để giúp chúng đối phó trong khi học các hành vi mới, dễ chấp nhận hơn.
Bạn có nên mua vòng cổ chống sủa cho chó?
Trên thị trường có một số sản phẩm hứa hẹn là sẽ giúp chó hết sủa nhanh chóng. Vòng cổ chống sủa cho chó (bark collar) có thể mang lại hiệu chỉnh bằng âm thanh hoặc siêu âm cho chó, nhưng chúng không hiệu quả với tất cả các chú chó. Vòng cổ xịt mùi sả thường có tác dụng, nhưng một số chú chó biết được rằng chúng có thể hết xịt và sau đó sủa theo ý muốn.
Vòng cổ sốc (shock collar), cách hoạt động là tạo ra một cơn đau lên chú chó khi chúng sủa, điều này có thể gây hại cho thú cưng của bạn và có thể khiến chó trở nên hung dữ hơn, đặc biệt nếu chúng tiếp xúc người hoặc động vật mà chúng đang sủa với cơn đau.
Những điều không nên làm khi chó sủa:
- Không khuyến khích chó sủa khi có tiếng động nào đó (cửa đóng sầm, người đi ngang qua) và không khuyến khích chúng sủa người khác.
- Không bao giờ dùng rọ mõm hoặc các biện pháp ràng buộc khác để giữ chó yên lặng trong thời gian dài hoặc khi chúng không được giám sát. Nó có thể gây nguy hiểm cho thú cưng của bạn mắc các bệnh tâm lí, trầm cảm.